ASUS ROG Thor 1600W Titanium là bộ nguồn dành cho những dàn PC hàng khủng, sẵn sàng cân hết mọi phần cứng hiện nay.
ASUS nói chung và thương hiệu ROG nói riêng đã quá nổi tiếng đối với anh em game thủ chúng ta rồi. Những linh kiện gaming ASUS ROG đều tập trung vào chất lượng để mang đến trải nghiệm đỉnh cao cho game thủ. Và lần này, ASUS ROG đã mang đến bộ nguồn “hạng nặng” Thor 1600W Titanium để cân đủ mọi loại phần cứng gaming xịn sò ngày nay, đảm bảo cho trải nghiệm của anh em được ổn định về lâu về dài.
Trong số các dòng nguồn của ASUS như TUF Gaming, ROG Strix, ROG Loki, thì ROG Thor là dòng cao cấp nhất, sở hữu những thông số và tính năng ưu việt nhất của nhà ASUS ROG để những game thủ hardcore an tâm rằng những linh kiện đắt đỏ bên trong dàn PC gaming hàng khủng của mình sẽ được cấp dòng điện sạch và ổn định, cũng như là hoạt động bền bỉ trong thời gian dài. Và vì là dòng cao cấp nên nó chỉ có các mức công suất cao thôi, cụ thể là 850W, 1000W, 1200W, và cao nhất là 1600W – đây cũng là bộ nguồn mà GVN 360 bọn mình có cơ hội được trên tay.
ASUS ROG Thor 1600W Titanium là bộ nguồn ATX12V được thiết kế theo kiểu fully modular, đạt chuẩn 80Plus Titanium và Cybenetics Titanium xịn sò. Để đạt được những quy chuẩn gắt gao này, ASUS đã trang bị cho ROG Thor 1600W Titanium những linh kiện cao cấp như MOSFETs Gallium Nitride, bộ điều khiển nguồn điện kỹ thuật số, tụ điện Nhật Bản, vân vân. Với mức giá lên đến 17.000.000đ thì có thể nói đây là một trong những bộ nguồn đắt đỏ nhất dành cho PC (nếu không muốn nói là giá cao nhất). Mời các bạn cùng GVN 360 khám phá xem ASUS ROG Thor 1600W Titanium có gì đặc biệt nhé.
ASUS ROG Thor 1600W Titanium là bộ nguồn có thiết kế hầm hố với màn hình OLED cùng đèn RGB AURA Sync để bạn đồng bộ với dàn PC gaming
Thiết kế bên ngoài
Nghe cái tên thôi là đã thấy ASUS ROG Thor 1600W Titanium là PSU hạng nặng rồi. ASUS ROG nói chung và bộ nguồn này nói riêng đều mang phong cách thiết kế hầm hố, với những đường cắt xéo táo bạo để tạo góp phần sự cứng cáp cũng như là hiện đại cho sản phẩm. Thậm chí, phía mặt lấy gió phía trên cũng được tạo thành từ những đường chéo màu xám phay xước, vừa bám theo triết lý thiết kế của ROG vừa tạo điểm nhấn cũng khá là độc đáo.
Điểm đặc biệt của bộ nguồn này là nó được tích hợp nguyên cái màn hình OLED phía bên hông để hiện tổng công suất đang sử dụng là bao nhiêu. Thay vì phải vào phần mềm xem hoặc xài công cụ phức tạp thì bây giờ, bạn có thể nhìn ngay phía bên hông bộ nguồn để từ đó tối ưu hiệu năng và hiệu suất sử dụng điện của hệ thống PC. Đối với những bạn nào đam mê vọc vạch thì đây sẽ là một điểm cộng khi chọn mua bộ nguồn đó.
Một điểm thu hút khác cũng bắt mắt không kém đó là cụm đèn RGB nằm ở logo ROG phía bên hông và ở phần chóp ngay góc (có chữ THOR nằm bên dưới). Đây là hệ thống LED Aura RGB “cây nhà lá vườn” của ASUS, cho nên bạn có thể cắm dây từ PSU vào bo mạch chủ ASUS để đồng bộ với các linh kiện ROG khác thông qua phần mềm Aura Sync. Ngoài ra, ROG Thor 1600W Titanium còn hỗ trợ chế độ Smart Mode để thay đổi màu sắc đèn LED tùy theo nhiệt độ của card đồ họa ASUS, cũng khá là tiện. Trường hợp bạn không cắm dây RGB (cho bớt rườm rà) thì mặc định đèn LED RGB sẽ sáng theo hiệu ứng rainbow.
Bộ dây nguồn fully modular
Vì có công suất lên tới 1600W nên hiển nhiên ASUS ROG Thor 1600W Titanium sẽ hỗ trợ cấp nguồn cho rất nhiều linh kiện trong dàn PC. Do đó, đi kèm trong hộp sẽ là một đống dây cáp cho bạn tha hồ sử dụng. Ngoài dây đồng bộ RGB mà mình có để cập ở trên thì bộ nguồn này sẽ có 1 dây bo mạch chủ (1 đầu 20+4 pin), 2 dây CPU (mỗi dây 1 đầu 4+4 pin), 6 dây PCIe (mỗi dây 1 đầu 6+2 pin), 2 dây PCIe (mỗi dây 2 đầu 6+2 pin), 3 dây SATA (mỗi dây 4 đầu SATA), 3 dây Molex (mỗi dây 2 đầu Molex 4 pin).
Và vì phiên bản ASUS ROG Thor 1600W Titanium mà bọn mình trên tay đã được bổ sung thêm 1 dây nguồn PCIe Gen 5.0 (1 đầu 12VHPWR 16 pin với khả năng cấp đến 600W) nên bạn có thể cắm vô những con card đồ họa đời mới thoải mái nhé. Hầu hết những sợi dây nguồn này đều được bọc dù kỹ lưỡng, giúp hạn chế tình trạng bị nhiễu và tăng độ bền, cũng như là tính thẩm mỹ khi đi dây trong dàn PC.
ASUS ROG Thor 1600W Titanium sử dụng những linh kiện cao cấp để mang đến sự an tâm cho game thủ
Combo quạt Axial 135mm & hệ thống heatsink được tối ưu cho môi trường trong PSU
Trước hết, ASUS ROG Thor 1600W Titanium được trang bị quạt 135mm PWM (trục double ball bearing) với công nghệ Axial tương tự như trên những chiếc card đồ họa ROG Strix xịn sò, giúp tăng 21% lượng khí và giảm thiểu độ ồn (nhờ đường kính quạt lớn) khi làm mát cho những linh kiện quan trọng. Tương tự những chiếc nguồn cao cấp hiện nay, ROG Thor 1600W Titanium cũng có tính năng tự động tắt quạt khi nguồn chịu tải dưới 50%. Quạt sẽ quay nhanh dần đều khi chịu tải từ 50 đến 90%, và khi ở ngưỡng chịu tải 90-100% thì quạt sẽ quay hết tốc với độ ồn cũng chỉ cỡ khi chúng ta nói chuyện thì thầm mà thôi. Đúng là quạt xịn các bạn ạ!
Góp phần trong việc làm mát các linh kiện là những tấm ROG heatsink được tích hợp bên trong PSU. Những tấm tản nhiệt này có thể tích lớn hơn gấp đôi so với những heatsink thông thường, cho nên nó có thể làm mát tốt hơn 20% để kéo dài tuổi thọ của các linh kiện.
Dàn linh kiện xịn sò để kéo được những phần cứng “nặng đô” nhất
MOSFETs được sử dụng là loại Gallium nitride (GaN) ít gây thất thoát điện năng, cải thiện hiệu suất chuyển đổi điện so với điện trở silicon truyền thống. Nhờ vậy mà ASUS ROG Thor 1600W Titanium mới đạt được chứng nhận 80Plus Titanium – mức cao nhất trong chuẩn 80Plus.
Thêm vào đó, bộ điều khiển nguồn điện kỹ thuật số sẽ giúp kiểm soát các MOSFETs GaN một cách chính xác để có thể kịp thời thích ứng với những thay đổi về mức ngốn điện của các phần cứng PC. Ví dụ, card đồ họa đầu bảng thế hệ mới (tại thời điểm bài viết) tuy chỉ ngốn tầm trên dưới 400W, nhưng sẽ có những khoảnh khắc con số này nhảy lên tới hơn 500W (rồi giảm ngay sau đó) chỉ trong tích tắc, và đó là chuyện bình thường. Những lúc như vậy, bộ điều khiển kia sẽ phát huy tác dụng để điều tiết dòng điện sao cho tối ưu nhất, đảm bảo cấp đủ điện để GPU có thể hoạt động ổn định. Gì chứ đang combat căng thẳng, đạn bay vèo vèo mà bị crash bất chợt thì cay lắm.
Tiếp đến là tụ điện Low-ESR (equivalent series resistance) đến từ Nhật Bản. Những con tụ này sẽ ít làm thất thoát điện và ít sinh nhiệt so với tụ High-ESR. ESR cao có thể khiến mạch điện bị hỏng, hay thậm chí là làm hư hỏng các linh kiện khác. Ngoài việc ESR tăng theo thời gian sử dụng, nhiệt độ cao và dòng điện biến thiên nhiều (large ripple current) cũng sẽ càng khiến vấn đề này trở nên tệ hơn. Chính vì thế, trong những trường hợp mà dòng điện biến thiên nhiều (như ví dụ về GPU mà mình có đề cập ở trên), việc ESR tăng cao sẽ càng khiến cho tụ điện trở nên nóng hơn, và kết quả tuổi thọ sẽ càng giảm. Do đó, để khắc phục vấn đề này, ASUS đã trang bị cho ROG Thor 1600W Titanium những con tụ Low-ESR để chịu được sự biến thiên của dòng điện tốt hơn. Thế mới nói không phải tự dưng mà con nguồn này được bảo hành lên tới 10 năm đâu các bạn ạ.
ASUS ROG Thor 1600W Titanium đạt chuẩn Cybenetics Titanium về hiệu suất và Cybenetics A++ về độ ồn
Nói sơ một chút về chuẩn 80Plus quen thuộc trước, thì ROG Thor 1600W Titanium đạt mức cao nhất là 80Plus Titanium. Chuẩn 80Plus càng cao thì hiệu suất chuyển đổi điện xoay chiều (AC) từ lưới điện gia đình thành điện 1 chiều (DC) cấp cho PC sẽ càng cao, và nguồn cũng sẽ càng xịn. 80Plus Gold thì đã quá phổ biến rồi, còn 80Plus Platinum thì ít thấy hơn nhưng cũng không phải là hàng hiếm. Và lên tới 80Plus Titanium thì sự lựa chọn của bạn lúc này không còn đa dạng nữa, nhưng được cái nguồn nào nguồn nấy cũng đều là dòng đầu bảng với hiệu suất chuyển đổi cao nhất, và ROG Thor 1600W Titanium là một trong số đó.
Đáng chú ý là song song với chuẩn 80Plus thông dụng, mấy bộ nguồn ngày nay còn được kiểm chứng theo một quy chuẩn mới, đó là Cybenetics. Chuẩn này sẽ đánh giá PSU chi tiết hơn so với chuẩn 80Plus, cụ thể là nó sẽ tính thêm hiệu suất của những đường điện riêng lẻ khác chứ không chỉ riêng gì đường điện 12V. Thêm nữa là nó cũng đánh giá luôn khả năng điều chỉnh hoặc thất thoát của dòng điện, giúp người dùng có cái nhìn chính xác hơn về bộ nguồn đó. ASUS ROG Thor 1600W Titanium là PSU đầu tiên đạt chuẩn Cybenetics Titanium mà GVN 360 được trên tay, với hiệu suất chuyển đổi điện từ 93 đến 95% (khi cắm vào mạng lưới điện Việt Nam là 220V).
Chưa hết, chuẩn Cybenetics còn có một bảng đánh giá riêng dành cho độ ồn của PSU khi chịu tải, từ đó cho chúng ta thấy bộ tản nhiệt và quạt của nguồn hoạt động như thế nào, có yên lặng hay không, hay là phải đánh đổi giữa hiệu năng với tiếng ồn. ASUS ROG Thor 1600W Titanium đạt chuẩn độ ồn là Cybenetics A++, tức là xịn nhất theo bảng xếp hạng của Cybenetics về độ ồn. Đây chính là minh chứng cho việc combo quạt Axial và hệ thống heatsink bên trong bộ nguồn hoạt động vô cùng hiệu quả.
ASUS ROG Thor 1600W Titanium là bộ nguồn đỉnh của đỉnh, cho bạn vô tư sử dụng những phần cứng đầu bảng trong nhiều năm tới
Theo mình được biết, một bộ PC xịn với CPU Intel Core i9 và GPU Nvidia RTX 4090 bây giờ có thể ngốn tầm 600-700W hơn, và khi ép xung thì có thể chạm mức 800W là chuyện bình thường. Tuy nhiên, 800W cũng chỉ mới có 50% công suất của ASUS ROG Thor 1600W Titanium mà thôi, và chưa chắc đã đủ để khiến quạt tản nhiệt phải quay.
Với hàng tá công nghệ xịn sò giúp ASUS ROG Thor 1600W Titanium đạt chuẩn 80Plus Titanium lẫn Cybenetics Titanium, chuyện bộ nguồn này có mức giá lên tới 17.000.000đ cũng là điều dễ hiểu. Con số này hẳn sẽ khiến nhiều bạn “quay đầu”, nhưng bù lại thì bạn sẽ không bị nhức đầu về khoản nguồn điện nữa, chí ít là trong nhiều năm tới.
Tin tức khác